Tin tức

Tháng học đầu tiên của TGB Thảo Điền – Quận 2

30/11/2019

Cô mỉm cười khi nhớ lại những ngày đầu, thật vất vả, thật khó khăn khi chúng ta mới vừa gặp và làm quen với nhau. Khi chưa biết và chưa hiểu nhau.

Cô không dám nghĩ là chúng ta sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng khai trường này, khi mà dường như tất cả thật lộn xộn, tất cả thật khó khăn, cả Ba Mẹ và Cô đều rất căng thẳng, còn với Con, mọi thứ dường như bị xáo trộn.

Đa số các Em Bé nhà trẻ lần đầu đi học nên các Con quấn lấy cô, không cho Cô ẵm bạn khác vì sợ mình bị bỏ rơi, thức ăn ở trường thật mới, thật lạ với Con, có món chưa hợp khẩu vị nữa, môi trường hoàn toàn xa lạ, xung quanh cũng toàn là người lạ.

Cô căng thẳng vì Con khóc nhiều, vì Con không chịu ăn, vì Con không ngủ. Cô sợ Con mệt, sợ Con không đủ sức khỏe khi không chịu ăn-ngủ gì cả trong một ngày dài như thế. Phụ huynh cũng cực kỳ lo lắng vì lần đầu tiên Con rời xa cha mẹ để đến trường, vì Con còn rất bé bỏng, không dễ thích nghi khi ở trường…

Hiểu rõ lo lắng của Ba Mẹ nên Cô chú ý quan tâm Con, chia sẻ cùng Ba Mẹ về thay đổi tâm sinh lý của con khi đến trường. Con sẽ lo lắng, Con sẽ buồn, đôi lúc cảm thấy hụt hẫng vì bị bỏ rơi. Trở về nhà sẽ nhõng nhẽo nhiều hơn vì:

• “Người ta” đang ở nhà ngon lành bỗng nhiên bị đưa đến một nơi lạ hoắc lạ huơ, toàn người lạ rồi không có ai thân cận bên mình, không biết khi nào được đón về, không biết khi nào mới được gặp Ba Mẹ nên khi về đến nhà Con có thể đòi hỏi nhiều hơn nhõng nhẽo hơn, đòi ẵm bồng suốt cả buổi tối để bù đắp cho một ngày dài không có Ba lẫn Mẹ bên cạnh.

• Con có thể ngủ không ngon giấc, có khi giật mình và khóc trong mơ vì tự nhiên nhớ lại cảnh Mẹ, Ba đưa mình cho Cô mà mình đâu có muốn chuyện đó đâu!!!

• Con có thể sổ mũi, ho, bệnh vì môi trường thay đổi. Khi đó, Con mệt, khó chịu trong người nên dễ cáu kỉnh, gắt gỏng, mè nheo…

• Thức ăn ở trường chưa quen với Con hoặc thời gian đầu chưa thích nghi được trường lớp nên Con bị sụt ký…

Ba Mẹ đã kiên nhẫn và kiên trì cùng Cô từng ngày theo sát bên Con, giúp Con làm quen với môi trường mới, hỗ trợ Con bất cứ lúc nào Con cần bằng sự nhẫn nại và tình yêu thương nên các Con đã sớm ổn định hơn. Chấp nhận việc đi học hơn.

Cô tập trung chăm sóc Con, dỗ dành, vỗ về, ôm ấp và dần dần khiến con cảm thấy an tâm khi vào lớp. Cô học cách quan sát, cách hiểu tính cách của từng Bé, tập nghe tiếng khóc của Con, tập làm quen với Con, tập cách dỗ dành giúp Con ăn được – giúp con vào giấc ngủ và còn tập nhiều nhiều thứ khác nữa để rồi Cô Trò mình dần dần HIỂU nhau hơn.

• Lớp trứng nhỏ nhất trường vậy mà lại tiến bộ rất nhanh. Ở độ tuổi này, Con chưa thể hiện rõ tính cách của mình. Con đặc biệt cần được cô ôm ấp, chăm sóc nhiều.

• Lớp nhộng từ 1 đến 2 tuổi là khó thích nghi nhất vì Con đã nhận biết được về thế giới xung quanh mình, tính sở hữu lại cao nhất, sức đề kháng kém nhất. Các Con hay đòi hỏi, hay nhõng nhẽo, khó thích nghi với môi trường mới. Con khóc nhiều và dễ bệnh nên là các Cô rất lo lắng, còn Ba Mẹ thì sốt ruột trong tuần đầu tiên.

• Phải kể thêm về lớp Nhộng này. “Tụi nhỏ” cành nanh, đành hanh đều luôn. Không cho Cô bế ai khác. Thấy Cô vừa ôm bạn khác là nhào lại dành, vừa khóc vừa đẩy bạn ra, không đẩy được thì “vừa đi vừa khóc”, tìm Cô nào trống thì “xà” vô để được ômmmm, để được an ủi.

• Bế tụi nhỏ hoài, phân xử hoài, Cô vừa buồn cười, vừa mệt dễ sợ.

• Lớp Kén lại theo một kiểu khác. Các Con rất biết nhường nhịn nhau và biết cùng chơi với nhau. Con vừa cần chăm sóc, vừa cần được Cô “nới” tay cho mình tự lập. Dù những ngày đầu còn lóng ngóng, vụng về nhưng rồi lớp mình “vào nếp” thật nhanh. Ở lứa tuổi này là đáng yêu nhất. Cô thật vui khi con ôm Cô thật chặt, nói nhiều câu nói bất ngờ và dễ thương quá đỗi. Mỗi ngày mỗi lớn lên trông thấy, cách mà mỗi Con thể hiện tình cảm với Cô cũng thật đặc biệt, thật ấm áp và ngọt ngào.

• Các anh chị từ 3 tuổi trở đã biết cách lắng nghe Cô, thích được Cô thủ thỉ trò chuyện, muốn được Cô “hỏi thăm” và quan tâm mình hơn. Quan trọng nhất là Con được “lắng nghe” nên Con dễ dàng bộc bạch suy nghĩ ngộ nghĩnh, dễ thương của mình. Cô lại tâm lý nên nhẹ nhàng trò chuyện và hướng dẫn Con khiến Con “bị thuyết phục” lúc nào không hay. Các chương trình học và hoạt động ngày một nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tìm tòi, khám phá, trải nghiệm của Con.

Sau đây, Cô muốn được “khoe khoang” một chút về các BÉ CƯNG của mình:

• Có Bé cưng đến lớp là cô ẵm từ đầu ngày đến cuối ngày, Con áp đầu vào vai Cô. Ăn cũng ẵm mà ngủ cũng ẵm. Nhiều ngày, tay Cô mỏi nhừ mà không dám buông con xuống vì Con sẽ quấy khóc cả ngày nếu không ở trên tay Cô. Đến hôm nay thì Con đã tự ngồi ghế ăn, tự chơi một mình hay chơi với bạn chút xíu.

• Sói khóc từ nhà đến trường nhưng rất ngoan khi thấy ai cũng ạ, Cậu trai bé xíu lo ạ từ dưới sân lên đến lớp thì quên luôn chuyện đang khóc dở.

• Bạn Ìn đẹp trai nhưng trùm phun mưa. Đút vào là phun. Ở trường đã vậy, ở nhà cũng “làm mưa” khắp nơi thì bây giờ đã bớt mưa gió để dành thời gian tám u ơ với bạn.

• “Ông trùm truyền thông” rất “nhiều chuyện”, thích phát biểu ý kiến, giỏi giao tiếp bằng “ngôn ngữ cá nhân” của cậu bé 9 tháng tuổi. Cô nói gì là “nói vói” theo, có Ai đến thăm lớp là nhiệt tình u ơ, nhiệt tình chuyện trò.

• Còn có “đứa con” của Cô nguyên tuần đầu vui vẻ vì tưởng đang đi chơi. Đến tuần thứ hai phát hiện ra “bỗng nhiên phải đi học” thì khóc thôi rồi. Nhưng Bạn ấy mê chơi nên cũng dễ bị Cô “dụ khị” và nhanh chóng hòa nhập với lớp.

• Su không ăn nên Su nhả tùm lum thì bây giờ Bạn đã “bớt nhả”.

• Dưa Hấu mới đi lớp, thấy cô ôm để cho ăn là la lên, chu mỏ, bặm môi, lắc đầu, nhắm mắt. Kiên quyết không ăn, không uống sữa luôn. Cô lo không biết làm sao với Bạn nhưng Ba Mẹ rất “vững” nên bằng kinh nghiệm và sự kiên nhẫn của Cô, Nàng ấy cũng ăn được 3 muỗng, 5 muỗng rồi dần dần nhiều hơn chút xíu.

• Lúc mới đi học thì An Khuê khóc rất nhiều. Rồi Cô gái ấy phát hiện ra đàn ong trên vách tường nên thấy là chào Ong Ba, chào Ong Mẹ, chào Ong Con, em đi học ngoan, Khuê không khóc nhè mà nước mắt hoen mi… Đến nay thì bạn vẫn chào Ong nhưng không còn khóc nữa mà đã vui vẻ từ cổng trường.

• Mun ăn cháo xay nhuyễn nhưng chỉ 3 tuần là Con có thể ăn cơm rồi.

• Có Bạn cả một tuần khi Cô gọi thì không thèm liếc mắt, cô nói không thèm nghe nhưng giờ thì mọi sự đã khác, Con trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi và có thể trò chuyện cùng Cô ngày một nhiều hơn.

• Có Bạn còn bị Cô chọc là: cứ sáng đi lớp là âm u và mưa rào, đến trưa ngủ dậy mới tươi tỉnh, vui vẻ như mặt trời nắng chói chang…

• Cũng có Bạn rất nhanh hòa nhập với lớp và trường mới. Mới vào lớp 1 ngày mà dường như mọi thứ đã thân quen.

• Có đứa mê ăn, thấy đồ ăn là vui mừng lắm vì Con không chịu uống sữa nên rất đói mỗi khi đến bữa. Con thưởng bữa ăn ngon lành, gọn gàng.

• Có bạn lớn rồi mà không chịu ngồi ghế, lúc nào cũng đứng, không biết dùng muỗng, phải đợi đút mới ăn. Không tự phục vụ, đi vệ sinh phải nhờ cô giúp, Cô tự thay đồ cho con…nhưng đến nay Cô và Mẹ phối hợp ở trường và tại nhà nên Con tự xúc ăn, tự phụ vụ và nghe lời Cô hơn rồi.

Còn rất nhiều chuyện chưa kể hết. Mỗi đứa mỗi tính, mỗi nết, mỗi lớp một đặc thù riêng nhưng các con đều rất đáng yêu, rất theo Cô và thương Cô.

Sau một tháng đi học, các Bạn nhỏ đã quen với việc đến trường và vui vẻ đến trường rồi. Buổi sáng vào lớp, Con đã chủ động bái bai, tạm biệt Ba Mẹ, Ông Bà.

Một số Bé còn hơi buồn buồn một chút buổi sáng do vừa thức giấc và chưa cân bằng cảm xúc nên còn khóc một chút nhưng đã tự nguyện sang Cô để Ba Mẹ đi làm.

Các Bé Nhộng đã không còn đòi ẵm, đòi bồng hay tranh giành Cô, chỉ cần nhìn thấy Cô gần đó là được. Các Con đã ăn uống tốt, quen với chế độ sinh hoạt của lớp và bắt đầu tham gia vào các hoạt động trong tiết học.

Cùng với nhau, Cô Trò mình đã đi qua hết một tháng dài. Các Con của Cô thay đổi trông thấy, cứng cáp, vững vàng và nề nếp rất nhiều. Cô yêu quá những ánh mắt ngơ ngác, nụ cười ngây thơ, giọng nói ngọng nghịu, mùi thơm Em Bé của từng đứa nữa…

Cô Trò mình cùng nhau cố gắng thật nhiều để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui nha các Con.

Nhận giữ trẻ ở TGB
 

Liên hệ thông tin chi tiết bên dưới để được liên hệ tư vấn trực tiếp:

 1900 23 23 09

 TGB Preschool

 m.me/TGBPreschool

Đăng ký tư vấn ngay!