Trong khoảng thời gian từ sơ sinh cho tới 6 tuổi, bé trải qua rất nhiều cột mốc khác nhau và đạt được nhiều kỹ năng cần thiết. Dưới đây là các giai đoạn phát triển của trẻ về thể chất, nhận thức giúp phụ huynh có thể theo dõi sức khỏe và biết cách chăm sóc tốt nhất cho con.
1. Các giai đoạn phát triển của trẻ từ 1 – 6 tuổi
Từ 0 – 1 tháng tuổi
Trong giai đoạn từ 0 – 1 tháng tuổi, trẻ chỉ bú sữa và ngủ. Đồng thời sẽ có các đặc điểm và sự phát triển như sau:
- Thị giác: Trẻ sơ sinh có khả năng nhìn ở khoảng cách gần, khoảng từ 20 – 30cm. Khuôn mặt của bố mẹ và những người trong gia đình là những vật thể mà trẻ thích thú và tò mò nhất. Trẻ cũng có sự ưu tiên đối với các đồ vật có màu sáng và tương phản như đỏ, vàng, xanh, cam.
- Thính giác: Trẻ nghe và nhận biết giọng nói, dễ giật mình khi có tiếng động lạ, lớn và đột ngột.
- Giao tiếp: Trẻ chỉ có thể giao tiếp bằng cách khóc. Khóc có thể là biểu hiện của nhiều nhu cầu khác nhau, bao gồm đói, buồn, mệt mỏi, và cần sự chăm sóc.
- Tư thế cơ thể: Do cơ thể còn yếu, trẻ sơ sinh không thể giữ cổ khi đứng hoặc ngồi. Trẻ có thể giữ cổ khi nằm ngang hoặc quay ngang. Tay thường nắm chặt lại và ít khi mở ra, trong khi chân thường tạo động tác đá khi nằm.
- Bú: Trẻ từ khi mới sinh đã biết cách bú nhịp nhàng từ vú mẹ hoặc bình sữa.
Giai đoạn phát triển của trẻ 2 tháng tuổi
- Phát triển cơ thể: Cơ thể của trẻ cứng cáp hơn so với tháng đầu tiên. Trẻ có thể giữ cổ khi bồng đứng hoặc nằm sấp trong vài phút. Thậm chí, một số bé đã nâng được phần ngực lên. Tay của trẻ sẽ thả lỏng ra, khi đưa vật lạ vào tay bé nắm giữ được trong thời gian ngắn.
- Sự phát triển về thị giác: Mắt của trẻ sẽ “tinh” hơn, theo dõi di chuyển của ba mẹ và các đối tượng từ bên này sang bên kia, từ trên xuống dưới.
- Nhận biết âm thanh và tương tác: Trẻ sẽ nhận biết và phản ứng tốt hơn với âm thanh xung quanh. Khi nghe giọng nói, trẻ có thể tập trung nhìn vào người đối diện và có thể tạo ra những âm thanh sơ khai như “a”, “o”, “ơ”.
- Biểu hiện cười: Ở giai đoạn này, trẻ sơ sinh đã phát triển khả năng cười. Trẻ có thể phản ứng bằng cách cười khi được kích thích hoặc có sự tương tác tích cực từ người khác.
- Bú tự động: Khi nhìn thấy vú mẹ hoặc bình sữa, trẻ có thể tự động mở miệng ra để bú.
Giai đoạn phát triển của trẻ 3 tháng tuổi
- Phát triển cơ thể: Khi nằm sấp, trẻ có thể rướn cổ lên 5 – 7cm khỏi mặt đất và biết chống thân người lên bằng cẳng tay. Tay của trẻ linh hoạt hơn, tự vươn về phía các vật đung đưa hoặc phía mặt của người khác, chắp 2 tay, liếm, mút tay.
- Thị giác phát triển: Trẻ có khả năng nhìn tốt hơn và có thể dõi theo vật xoay vòng, nhận biết được khuôn mặt và giọng nói.
- Hội chứng quấy khóc ở trẻ nhũ nhi: Trong khoảng thời gian này, trẻ có thể trở nên khó ở và dễ quấy khóc hơn so với những tháng đầu. Đây là phần phát triển sinh lý bình thường của trẻ và sẽ dần hết đi khi trẻ đạt khoảng 4 tháng tuổi.
- Tương tác: Trẻ thể hiện sự hứng thú khi được tương tác với ba mẹ bằng cách cười và phát ra âm thanh “ê a”. Trẻ trở nên dạn dĩ hơn và có thể cười to tiếng trong thời gian này. Bé khóc lớn khi đòi ăn, đi vệ sinh hoặc đau, khó chịu.
- Nhận biết lịch bú: Trẻ có khả năng nhận biết lịch bú của mình và biểu lộ sự thích thú khi thấy bầu vú mẹ hoặc bình sữa.
- Chảy nước miếng: Trẻ 3 tháng tuổi có thể chảy nước miếng nhiều hơn do mọc răng, viêm họng hoặc bệnh tay chân miệng.
Giai đoạn phát triển của trẻ 4 tháng tuổi
Vào giai đoạn phát triển của trẻ 4 tháng tuổi, trẻ đã làm được những điều sau:
- Vận động: Trẻ biết lật, lẫy hay ngồi có sự hỗ trợ lưng. Cổ trẻ vững vàng hơn, khi được bế đứng, trẻ có thể tự giữ cổ. Bé cầm nắm và lắc lư đồ vật hoặc đưa vào miệng.
- Nhận thức: Nhận biết khuôn mặt, giọng nói quen thuộc của người thân, quay đầu tìm khi nghe tiếng ba mẹ nói.
- Ngôn ngữ: Bé bắt chước một số âm thanh hay biểu cảm gương mặt. Trẻ cười và giọng nói to, có thể giao tiếp qua lại bằng những ngôn ngữ riêng của bé. Khi ở một mình, bé hay ê a.
Giai đoạn phát triển của trẻ 5 tháng tuổi
Đây là 1 trong các giai đoạn phát triển của trẻ mà phụ huynh cần đặc biệt quan tâm.
- Trẻ bắt đầu biết lật từ tư thể nằm sấp sang nằm ngửa, biết chống khuỷu tay, nâng và giữ đầu trong vài phút.
- Các bé cũng bám bố mẹ nhiều hơn, có thể nhận ra bố mẹ qua giọng nói, khuôn mặt, nhận diện vai trò của người thân, nhận biết người lạ.
- Ngoại trừ khóc và cười đùa, trẻ bắt đầu thể hiện đa dạng cảm xúc hơn như bực tức, giận dỗi… và có thể tạo ra nhiều âm thanh để thu hút sự chú ý của phụ huynh.
- Trẻ thích được chơi và giao tiếp với người khác và có thể khó nếu không được chơi nữa.
- Trẻ ê a rõ ràng hơn, thổi bong bóng, cười lớn.
- Khi bé bú, trẻ có xu hướng vịn 2 tay vào bầu vú mẹ hoặc bình sữa.
Từ 6 – 9 tháng tuổi
Dưới đây là một số đặc điểm về giai đoạn phát triển của trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi:
- Khả năng vận động: Trẻ đã có khả năng cầm đồ vật và đưa từ tay này sang tay khác. Thậm chí nhiều bé còn tự cầm được bình sữa hoặc ly để uống. Một số trẻ có thể ngồi vững mà không cần hỗ trợ trong một khoảng thời gian ngắn.
- Tính tò mò và khám phá: Trẻ 6 – 9 tháng tuổi có tính tò mò cao và muốn khám phá thế giới xung quanh. Bé thích chơi đồ chơi, quan sát mọi thứ xung quanh và cố gắng tìm hiểu cách sử dụng đồ vật.
- Phát triển ngôn ngữ: Trẻ tự chủ hơn trong ngôn ngữ, phát âm được các âm thanh đơn giản như “ba”, “ma”, “pa”. Đồng thời bé hiểu một số từ đơn giản và đáp lại bằng cử chỉ hoặc tiếng kêu.
- Phát triển xã hội: Trẻ nhận biết được sự khác biệt giữa những người trong gia đình và thể hiện sự thích thú khi được ở riêng cùng bố mẹ. Be không thoải mái khi tiếp xúc với người lạ và cần thời gian để làm quen.
- Bắt đầu ăn dặm: Giai đoạn này đánh dấu sự chuẩn bị cho việc bổ sung thức ăn đặc biệt cho trẻ bên cạnh sữa. Trẻ đã bắt đầu được bố mẹ cho ăn dặm với đa dạng các loại thực phẩm hơn.
Từ 9 – 10 tháng tuổi
- Kỹ năng vận động: Trẻ biết bò, tập đứng và đứng vững khi có điểm tựa. Trẻ cũng đã phát triển khả năng nhặt đồ vật bằng ngón tay cái và ngón trỏ (nắm chặt).
- Kỹ năng ngôn ngữ: Trẻ bập bẹ nhiều hơn và tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Bé hiểu ý nghĩa của từ “không” và phản ứng theo hướng chỉ định của ba mẹ.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ thấy lo lắng khi tiếp xúc với người lạ và luôn muốn ở bên cạnh bố mẹ.
Giai đoạn phát triển của trẻ 12 tháng tuổi
Trẻ 12 tháng tuổi có những sự thay đổi sau:
- Kỹ năng vận động: Trẻ 1 tuổi biết đi bằng cách bám vào thành giường, ghế,… Một số trẻ mới biết đi có thể đi một hoặc hai bước mà không cần sự hỗ trợ và giữ thăng bằng tốt khi đứng một mình.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Bé nói được cùng lúc 2 – 3 từ, cố gắng lặp lại từ bạn nói và phát ra âm thanh với những âm điệu khác nhau. Đây là giai đoạn mà trẻ đang phát triển kỹ năng ngôn ngữ cơ bản nên phụ huynh hay đọc sách và nói chuyện với trẻ thường xuyên.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ bắt đầu biết hợp tác khi bố mẹ mặc quần áo, hiểu các hiệu lệnh đơn giản: vẫy tay chào tạm biệt, vỗ tay, hôn môi xa và chơi một số trò chơi đơn giản với người lớn.
Giai đoạn phát triển của trẻ 18 tháng tuổi
- Kỹ năng vận động: Trẻ 18 tháng tuổi đã biết đi mà không cần sự hỗ trợ và có thể nhặt đồ chơi mà không cần ngồi xuống. Các bé ở độ tuổi này cũng có khả năng đi lên và xuống cầu thang, thậm chí có thể chạy. Trẻ có thể ném bóng và xếp chồng 3 – 4 khối để xây tháp, tham gia vào các trò chơi phù hợp cho trẻ 1 tuổi. Ngoài ra, trẻ 18 tháng tuổi có thể ăn bằng thìa và uống từ cốc.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Trẻ nói một số từ đơn, biết chỉ đối tượng, diễn đạt những điều mình muốn và biết lắc đầu để thể hiện từ “không”.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ 18 tháng tuổi thường muốn ở bên bố mẹ và bắt đầu thể hiện tình cảm với những người thân quen.
Giai đoạn phát triển của trẻ 2 tuổi
- Kỹ năng vận động: Trẻ thành thạo trong việc kiểm soát chân và có thể chạy nhanh, nhảy lên xuống, leo trèo, sút bóng. Bé tinh nghịch hơn, có thể cầm bút vẽ nguệch ngoạc.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Bé nối 2 – 3 từ lại với nhau để tạo thành câu đơn giản và có thể lặp lại các từ và câu mà trẻ nghe được. Trẻ cũng có thể biết tên của những người quen thuộc, đồ vật và thậm chí các bộ phận cơ thể.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ 2 tuổi thể hiện cá tính rõ hơn, thích thú khi chơi với bạn bè, người thân.
Giai đoạn phát triển của trẻ 3 tuổi
Ở giai đoạn 3 tuổi, trẻ có những phát triển quan trọng về cả về kỹ năng vận động, ngôn ngữ và xã hội. Dưới đây là những đặc điểm chi tiết:
- Kỹ năng vận động: Trẻ bắt chước các chuyển động tay và vẽ hình người đơn giản. Bé biết xếp chồng các khối xây để tạo thành một tòa tháp, leo xuống cầu thang, đạp xe ba bánh và điều khiển nó thành thạo hơn.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Trẻ nói được những câu hoàn chỉnh, hiểu ý nghĩa của các từ đơn giản và biết gọi tên những đồ vật quen thuộc. Các bé cũng có thể sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý kiến và muốn của mình.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ tự mặc và cởi quần áo mà không cần sự giúp đỡ, tham gia vào các trò chơi tập thể, thể hiện tình cảm với người khác.
Giai đoạn phát triển của trẻ 4 tuổi
- Kỹ năng vận động: Trẻ đứng được bằng một chân và duy trì thăng bằng tốt hơn. Với sự giám sát của phụ huynh bé có thể nghiền và cắt thức ăn, chơi các trò vận động phức tạp.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Trẻ 4 tuổi tò mò, thích đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh, có khả năng mở rộng từ vựng và sử dụng các từ ngữ phức tạp hơn. Trẻ kể những câu chuyện và sử dụng đúng một số quy tắc ngữ pháp cơ bản.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ sáng tạo hơn thông qua các trò chơi và hoạt động xã hội. Trẻ biết hợp tác với bạn bè và thể hiện sự tôn trọng, quan tâm người khác.
Giai đoạn phát triển của trẻ 5 tuổi
- Kỹ năng vận động: Trẻ có khả năng nhào lộn, đu dây, leo trèo, tự đi vệ sinh, vẽ rõ nét hơn.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Trẻ nói chuyện trôi chảy hơn và có khả năng sử dụng đúng các cấu trúc ngữ pháp, diễn đạt ý kiến rõ ràng.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ thích chơi với bạn bè và có khả năng đồng ý với các quy tắc của trò chơi. Bé có thể hành động độc lập, làm việc nhóm, biết cách phối hợp và hợp tác.
Giai đoạn phát triển của trẻ 6 tuổi
6 tuổi là cột mốc cuối cùng trong các giai đoạn phát triển của trẻ:
- Kỹ năng vận động: Trẻ kiểm soát các cơ chính, biết giữ thăng bằng và thích chạy, nhảy,….
- Kỹ năng ngôn ngữ: Trẻ nói chuyện trôi chảy, thành thạo ngữ pháp, đánh vần tên của mình, viết một số chữ cái và số.
- Kỹ năng xã hội: Trẻ độc lập hơn, phát triển năng khiếu, hiểu cảm xúc của mọi người xung quanh.
2. Lưu ý phụ huynh cần biết khi chăm sóc bé trong những năm tháng đầu đời
Để giúp bé phát triển toàn diện về cơ thể cũng như tinh thần, trí tuệ trong năm đầu tiên của cuộc đời, bố mẹ hãy tham khảo ngay những bí quyết sau:
- Tương tác và trò chuyện: Dành thời gian trò chuyện với bé, nghe giọng của ba mẹ giúp bé cảm thấy an toàn và phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Trả lời mỗi khi bé phát ra âm thanh bằng cách lặp lại âm thanh đó và thêm từ khác vào để bé học cách sử dụng ngôn ngữ.
- Đọc và hát: Đọc sách cho bé nghe giúp bé phát triển về ngôn ngữ và âm thanh. Hát và chơi cùng bé cũng giúp bé phát triển niềm yêu thích về âm nhạc và kích thích sự phát triển não bộ.
- Khen ngợi và quan tâm: Tích cực khen ngợi và dành sự quan tâm đặc biệt đến bé, như âu yếm, bế. Điều này giúp bé cảm thấy an toàn, yêu thương.
- Chơi và tương tác hàng ngày: Chơi với bé mỗi ngày là cách tuyệt vời để bé rèn luyện các kỹ năng vận động và tư duy. Tuy nhiên, ba mẹ cần quan sát bé liên tục và dừng ngay nếu thấy bé mệt mỏi hoặc không quan tâm đến hoạt động nữa.
- Đảm bảo an toàn: Đánh lạc hướng bé bằng đồ chơi và hướng dẫn bé đi vào khu vực an toàn nếu bé bắt đầu di chuyển và chạm vào những thứ nguy hiểm.
- Tránh lay và lắc trẻ: Trẻ nhỏ cơ thể còn rất yếu và cổ của bé cần được bảo vệ. Việc lay hay lắc trẻ có thể gây tổn thương não hoặc nguy hiểm đến tính mạng của bé.
- Giám sát khi trẻ ngủ: Một số trẻ sơ sinh có thể mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS). Việc giám sát trẻ khi ngủ là rất quan trọng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Ghế an toàn trong ô tô: Nếu cho bé đi ô tô, bố mẹ luôn sử dụng ghế dành riêng cho trẻ sơ sinh và đặt nó ở ghế sau. Điều này giúp bảo vệ trẻ an toàn trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc va chạm.
- Tránh đồ vật nhỏ và đồ chơi không an toàn: Trẻ nhỏ có thói quen bỏ những đồ vật vào miệng. Đảm bảo không để trẻ tiếp xúc với những đồ vật có kích thước nhỏ hoặc cạnh sắc nhọn.
- Tiêm vắc xin đúng lịch: Tuân thủ lịch tiêm vắc xin đúng thời gian và liều lượng được khuyến nghị.
- Chuẩn bị thức ăn: Thông thường sau 6 tháng tuổi bố mẹ đã có thể cho bé ăn dặm. Đồ ăn bố mẹ nên giàu dưỡng chất, làm chín nhừ hoặc có độ nhuyễn để bé dễ ăn hơn.
- Môi trường không khói thuốc: Hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn khói thuốc trong môi trường sống để đảm bảo hô hấp và sức khỏe tốt cho trẻ.
Trên đây là các giai đoạn phát triển của trẻ để bố mẹ tham khảo. Hãy dành thời gian đồng hành và chủ động theo dõi quá trình này để nhận biết sự thay đổi từng ngày của con và chăm sóc bé đúng cách nhé!
Để được tư vấn và nhận ưu đãi về các lớp học cho bé tại Trường mầm non song ngữ Tổ Ong Vàng TGB, phụ huynh có thể truy cập website thegoldbeehive.edu.vn hoặc liên hệ ngay cho tới số hotline 1900 23 23 09 nhé!
Ba mẹ có thể tham khảo chi tiết cơ sở vật chất, trang thiết bị và đánh giá của quý phụ huynh tại 4 cơ sở của Tổ Ong Vàng TGB ở TPHCM: |
Liên hệ thông tin chi tiết bên dưới để được liên hệ tư vấn trực tiếp:
Bài viết liên quan