Yêu thương dành cho con

Bé à, yêu thương cô kể chuyện năm qua!

08/01/2020

Cô nhớ hoài các em bé bé bỏng LỚP TRỨNG. Bạn hơn một chút, bạn đúng tròn 6 tháng tuổi, nhỏ bé, mong manh, ngơ ngác, nhìn thương ơi là thương! Con lần đầu rời xa vòng tay cha mẹ, đến một nơi lạ hoắc lạ huơ, cả cô cũng chưa quen với Bé luôn. Con đã ở lại cho đến tận bây giờ và lớn lên rất nhiều tại TGB Preschool – Ngôi nhà chung của chúng ta.

Những ngày đầu, Cô lo lắng và căng thẳng khủng khiếp. Cô sợ nghe tiếng Con khóc. Cô hoảng vì Con không ăn, không ngủ… Những lúc ấy, cô chỉ biết ôm Con vào lòng vỗ về và cố gắng từng chút một để con ăn thêm một chút, ngủ thêm một chút và dặn lòng mình thật kiên nhẫn bên Con.

Tính nết từng trò nhỏ của cô rất khác nhau. Có bé cưng đang la khóc là thế nhưng bế lên nựng nịu là khóc thế nào cũng nín hết trơn. Có bạn phải lơ đi, càng dỗ dành càng khóc to, tự nín thì được. Có bạn “có riêng giờ ghiền ôm” thì cần một bờ vai, bế lên người là tự động con ôm, dựa vào lòng Cô. Có bạn đang khóc vật vã nhưng vừa nghe hỏi “Tin ơi, cào đâu” là giơ tay chỉ cào cào và gương mặt ráo hoảnh. Có bạn đeo cô “dính da” luôn đó, làm gì cũng canh cô, khi chơi cũng dòm chừng xem cô có đi đâu không? Có bạn hay nhõng nhẽo, khóc dối để vòi cô bế bồng nữa chứ…

Con nhớ không? Lúc mới gặp nhau, mỗi Cô chăm một Bé nhưng sau thời gian ngắn, các cô đều hiểu rõ từng bạn nhỏ. Cô nào cũng yêu thương theo cách con muốn nên ai con cũng theo, không còn phân biệt cô nào với cô nào nữa.

Và từ sợ người lạ, sợ các cô, sợ trường học, Con đã ngày một quen hơn và thoải mái hơn khi ở trường. Thì người ta được thương, được cưng nên người ta yên tâm đến lớp là đúng rồi.

Có lúc con bệnh, đi học gặp cô vẫn tươi cười trong khi Mẹ nhắn là ở nhà “không cười dù chỉ một nụ”. Khi các em bé bệnh, nhìn như con mèo hen, bé bỏng, mệt lả trên tay cô, ăn uống khó khăn, thỉnh thoảng khóc quấy…Đứa trò nhỏ mà cô chăm bẵm hàng ngày, chỉ vài ngày bệnh mà con xọp hẳn. Cô THƯƠNG và XÓT bé yêu vô cùng.

Có bạn Thứ 7, Chủ Nhật ở nhà quấy, buồn ơi là buồn. Sang tuần gặp các cô thì mừng rỡ, tươi tắn. Hoặc có bạn nghỉ 2 ngày cuối tuần với Ba Mẹ, khi đến lớp sẽ mè nheo nguyên cả ngày thứ 2 mà tuần nào cũng đều đều như tuần ấy – như một thủ tục không thể thiếu – để thứ 3 thì bình tĩnh như chưa từng có chuyện gì vào ngày hôm trước vậy… Có bạn thì Ba Mẹ chọc ghẹo là: “Ở nhà là đi nhà trẻ còn đến trường mới là nhà người ta”. Hay Ba Mẹ đón em về nhưng con ôm tay cô khóc không chịu về đến mức mẹ phải kêu lên: “Ủa mẹ đâu bạo hành con đâu mà sao con không chịu về nhà …!”

Con lớn lên nhiều, thay đổi nhanh mỗi ngày, lanh hẳn ra, hiểu biết nhiều hơn, tỏ ra thích khám phá xung quanh, từ góc học quen thuộc , các món đồ chơi, con kéo hết ra khỏi kệ, hất tung lên, không chừa món nào… Con còn bắt đầu quan tâm đến các giờ học nữa.

Con học tráo thẻ, học nhận biết, học âm nhạc. Con tập trung 5 – 10 phút mỗi tiết học. Mỗi khi nghe nhạc con còn nhún nhảy theo. Học nhận biết phương tiện giao thông, nghe cô dạy về các loại quả, về chủ đề ông già Noel và người Tuyết. Thay vi chấm 1 ngón tay trong giờ tạo hình thì thì có bạn dùng 4 ngón luôn. Trong buổi học, các em bé ngồi xung quanh cô, hứng thú chờm người về phía trước, ngước mặt, hào hứng u ơ theo cô dù chưa nói được.

Các con tập nói, biết nói những từ như: Ạ, Ai cha, Cô dạy Okie về nhà nằm mớ mà cũng ố kề. Nghe cô nói “I love U” là 2 tay ôm đầu tạo biểu tượng hình trái tim mà chỉ riêng cô mới biết đó là trái tim thôi…

Cô còn chưa kể những chuyện vất vả mà chúng ta đã trải qua cùng nhau. Cả Cô và trò nhỏ phải thật kiên nhẫn tập dần từng chút một trên từng chặng nhỏ trên con đường lớn lên của con như tập cho con trườn, bò, tập cho con ăn dặm, tập cho con vận động tinh lẫn vận động thô. tập vào giấc ngủ thay vì ru hoài không ngủ, hay nằm cả tiếng mà cô vừa bước chân đi thì mở mắt ra ngay…

Cô thấy sự phát triển rõ nét của các con, tính cách thay đổi nhiều so với lúc mới vào lớp, không bám dính cô mà con tự ngồi, tự chơi, không còn mè nheo nữa.

Với Cô thì giờ mỗi ngày đi làm đều thấy nhẹ nhàng hơn. Có thêm các em bé mới vô lớp, chăm sóc không thấy cực nữa. Nghỉ phép 2 ngày là cảm thấy nhớ các con vô cùng.

Ba Mẹ đồng hành và kiên nhẫn cho Cô trò mình có thêm thời gian để “tập quen với nhau”. Giờ đây, khi đã gắn bó thì một số bé yêu của cô chuẩn bị lên lớp Nhộng. Cô vui vì con lớn nhưng cảm giác luyến tiếc mãi không thôi. Có em bé như hiểu rõ cảm giác chuẩn bị lên lớp nên chướng lắm nhưng LỚN LÀ PHẢI LÊN LỚP THÔI.

LỚP NHỘNG ĐÁNG YÊU: Đây là lứa tuổi mà các Con muốn tự mình làm mọi thứ. Hơn một năm qua người ta chỉ quan sát và chờ đợi, giờ biết đi thì phải chạy, phải vấp ngã. Biết nói thì phải bi bô không ngừng. Nên là người ta không thích ngồi yên, không thích nghe nhiều như trước đâu, phải để cho người ta THỂ HIỆN chứ :d

Có bạn ngày nào cũng khóc, đến lớp cũng khóc hờn cô nhưng cô dạy gì cũng biết, nói gì cũng hiểu dù “ẻm” đang nhắm tịt mắt gào toáng cả trường nghe. Được cái, giờ ngủ và giờ ăn thì bình thường, còn giờ thường thì khóc cho cả trường biết tôi là ai luôn ?

Có bạn ở nhà ăn hiếp ba mẹ và chị hai nhưng đến trường hiền queo, không bắt nạt bất cứ bạn nào.

Có ngày Mẹ nghỉ phép muốn em ở nhà chơi với mẹ 1 ngày nhưng em nằng nặc chỉ căp, kéo tay bà bắt bà đưa đến trường.

Cũng có bạn dễ chịu, hay cười, mặt tươi rói khoe hết 4 răng. Chuyện ăn, chuyện ngủ không phải lo, tính “vui vẻ không quạu”. Mỗi lần nhìn thấy con là thấy vui vẻ, xua tan mọi mệt nhọc của một ngày nhiều áp lực nên các cô hay “đi tìm” con lắm ?.

Có Lớp Nhộng vàng biết nhau, đi siêu thị, công viên gặp nhau thì mừng rỡ hân hoan vẫy vẫy gọi nhau dù chưa nói được tiếng nào.

Sói học tiếng Anh, ngủ hello, yes – no; bà méc: “Nó ngủ mà nó nói vậy luôn”.

Rồi còn chưa kể đến chuyện dính cô lắm lắm, vậy mà lên lớp lớn hơn vài ngày là không thèm thơm cô, quay ngoắt bỏ đi làm cô TỔN THƯƠNG quá đi.

Mà cái lớp này, các bạn mọc răng nhiều, cắn nhanh hơn chớp, cứ mỗi lần có dấu hiệu mọc răng là rất hung hăng, xông vào cắn bạn làm cô ngồi ngay trước mặt mà không kịp trở tay. Sự cố liên tục mà không biết động cơ từ đâu.

Hay có “đứa” đành hanh, thích dựt đồ chơi của bạn. Trong khoảnh khắc, chạy cái ào qua, dựt rồi bỏ chạy, không cần biết là được hay không luôn.

Lứa tuổi này, con thay đổi nhiều nhất, cô nghỉ phép mấy ngày mà lo lắng vì trước đó con chỉ theo cô, không chịu bất cứ ai khác. Không ngờ 3 ngày đó rất ngoan, cô nào dỗ cũng được, tự ăn, tự ngủ, ai bế cũng được luôn.

LỚP KÉN VÀNG LÀ BẮT ĐẦU KIÊN ĐỊNH VỚI LỰA CHỌN CỦA MÌNH và bước vào KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN BA.

Có bạn lúc đầu vô lớp không cho ai đụng vô hết, kiếm một nụ cười không ra.

Có bạn nhút nhát, tách biệt, ăn uống khó khăn, nhăn nhăn như ông già. Mà giờ đã khác nhiều so với ngày đầu. Nghe cô gọi là cười cười làm cô vui lắm luôn.

Các cô hay đùa, ở tuổi này, tâm lý của con thay đổi theo tuần. Con về nhà hay mè nheo, ở trường lại ngoan ơi là ngoan. Hoặc con thay đổi quá đột ngột, làm cô phải bất ngờ và luôn thay đổi cách ứng xử linh hoạt với con, để cùng con qua nhanh giai đoạn khó chịu của tuổi.

Lớp có 2 bạn gái, bạn nào cũng chảnh hết trơn, ai nắm tay bạn thì hất tay ra.

Có bạn thấy đồ ăn thì mê lắm, đòi nhiều nhưng chơi thôi, không có ăn, cô gái ấy mê nhìn đồ ăn, thấy đồ ăn là vui rồi.

Có bạn không bao giờ chịu ngồi yên, nhưng sau vài tuần là tiến triển rõ rệt, biết ngồi chơi một mình, không đòi cô. Cô nói ngồi đẹp, ngồi ngoan thì con là em bé ngoan nhất. Đến giờ ngủ còn phụ cô lấy mền gối cho bạn. Vỗ mông ru bạn ngủ nữa.

Có bé không muốn đến trường nhưng vô lớp là vui vẻ, đến giờ về là lúc người ta đang chơi hết mình, nhất định không chịu về.

Bé tiến bộ hơn nhiều, nề nếp sinh hoạt, quen dần các thói quen sinh hoạt của lớp, vui vẻ đến trường. Đòi đi học. Về nhà là nhắc cô, nhắc bạn. Thích đi học hơn ở nhà. Ba mẹ đến rước không chịu về, chỉ ôm cổ cô, đón mãi không chịu về, chỉ chịu “thích” cô.

Đến lúc Con tự chơi được nhiều, bớt đành hanh, Cô đỡ áp lực hơn, thoải mái tinh thần hơn cũng là lúc con sang lớp mới, Cô hơi buồn một xíu vì cô trò vừa quen thân thì con qua lớp khác mất rồi.

LỚP ONG VÀNG – LỨA TUỔI BI BÔ ĐÁNG YÊU VÔ CÙNG.

Lên lớp này, kỹ năng giao tiếp của con tiến bộ vượt bậc. Con thường trò chuyện cùng cô, những câu chuyện đáng yêu như:

– Sáng nay con làm gì?
– Làm con cá
– Con cá có cái gì?
– Cái đuôi
– Cái gì nữa?
– Cái mắt
– Cái gì nữa?
– Cái đầu

Hay như lúc:
Nhìn mắt con tròn như hột nhãn, môi chúm chím cười khi cô hỏi “đúng tủ”:

– An Khuê là của ai?
– Của Cô Hồng
– An Khuê yêu ai?
– Yêu Cô Hồng
– Sao Khuê chưa ngủ?
– Khuê chờ cô Hồng.
– Lúc trưa con ăn ngon không?
– Dạ Nhon.

Hay con về kể với mẹ:” Cô Hồng nghỉ rồi, không ai cột tóc đẹp cho Khuê”. Mẹ hỏi ra mới biết, mỗi ngày cô đều làm tóc cho con gái.

Thương lắm luôn bé cưng ơi, con cứ đáng yêu và dễ thương như vậy làm cô cứ muốn trò chuyện với con mãi thôi…

Có bạn nhỏ thay đổi rõ rệt, từ chỗ : không bao giờ nhường chỗ, gọi bạn, bạn không phản hồi giờ thì bạn có thể ngồi ghế một mình, không cần cô giữ lại, trong các tiết học dù không thích, dù chán quá chỉ đi lang thang một chút rồi quay về vị trí ngay, từ chỗ hay khóc buổi sáng đến giờ thì Mẹ đưa sang cô là hết khóc. Rồi nhớ lại thì nói cô ăn xong đi về nha cô nhưng cả buổi học vẫn rất nghiêm túc.

Cũng có bạn chưa đi học bao giờ, chưa rời xa ba mẹ bao giờ, gửi nhà ông bà cũng gửi 1 tiếng thôi vậy mà đến trường lại là em bé thích nghi nhanh nhất lớp mình.

Có đứa con của cô, người Việt hoàn toàn mà mỗi lần gặp nhau là con cô cứ:

– “chào cố, kon mới đến”
– “Cô Phí ơi, con spider đen thùi lùi” như người nước ngoài nói tiếng Việt luôn.

Mỗi buổi học, các bạn tự bê ghế, cất ghế, tự lau mặt, uống nước rồi đi cất ly đúng chỗ, tự xúc ăn, chơi đồ chơi xong là tự dọn dẹp. Cô đưa đồ ăn đều biết cảm ơn cô…Cô rèn con từng chuyện nhỏ nhỏ, giúp con những kỹ năng tự phục vụ. Đây là bước đệm để con có thể tự biết cách chăm sóc bản thân sau này.

LỚP ONG CAM – ONG NÂU: là các anh chị lớn nhất trường, con bắt đầu lắng nghe lời cô và thể hiện rõ rệt tính cách, tư duy của mình.

Cô không cần chăm sóc con quá kỹ lưỡng về chuyện ăn, chuyện ngủ như các em nhỏ nhưng lại chú ý rèn kỹ năng tự phục vụ cho con, kỹ năng tập trung, hay rèn cho con cách giao tiếp và cách ứng xử với bạn bè…

Môi trường xã hội của con ngày một lớn hơn. Kỹ năng và kiến thức của con ngày một nhiều hơn. Con học được nhiều điều, biết cách đưa ra ý kiến riêng. Qua từng dự án, con càng thể hiện rõ khả năng và sở thích của mình nhiều hơn.

Học dự án giúp con học kiến thức thông qua tự trải nghiệm. Mỗi dự án là một tháng chúng ta chầm chậm làm việc cùng nhau nhưng kiến thức mỗi ngày lại được bồi đắp nhiều hơn. Cô càng vui hơn khi con trở về nhà và áp dụng những phần đã học vào cuộc sống thực tế. Đặc biệt là dự án “Nước và bảo vệ môi trường 3R” vừa qua.

Lớp mình phân chia công việc rõ ràng và các con độc lập “làm dự án” và cũng có lúc phải cùng nhau làm việc nhóm.

Càng ngày, cô càng nhìn thấy các con trưởng thành từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động của mình…

Hơn tất cả, Cô mong các con vui vẻ khi đến lớp, hạnh phúc khi được yêu thương và trải nghiệm để thấm nhuần kiến thức khô cứng thành những bài học giản đơn dễ áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Tạm biệt một năm cũ. Cô trò nhà TGB Pre school chúng ta lại đón chào một năm mới mà mỗi ngày đến lớp là mỗi ngày chúng ta có thể trao cho nhau nụ cười, niềm vui. Cùng nhau, chúng ta sẽ học hỏi và có thêm nhiều trải nghiệm nhé các Bé Yêu. Thương các con thật nhiều!!!

——————–
TGB Preschool
Fanpage: TGB Preschool
Hotline: 1900232309
? Cơ sở 1: 71/3 Nguyễn Văn Thương, P. 25, Q. Bình Thạnh
? Cơ sở 2: 30 Bùi Thị Xuân, P. 2, Q. Tân Bình
? Cơ sở 3: 179 Hoa Lan, P. 2, Q. Phú Nhuận
? Cơ sở 4: 188/1 Trương Công Định, P. 14, Q. Tân Bình.
? Cơ sở 5: 11 Đường số 9, Thảo Điền, Quận 2.
? Cơ sở 6: EhomeS Nam Long, Đỗ Xuân Hợp, Quận 9
? Cơ sở 7: 97 Trần Quốc Toản, Quận 3

Nhận giữ trẻ ở TGB
 

Liên hệ thông tin chi tiết bên dưới để được liên hệ tư vấn trực tiếp:

 1900 23 23 09

 TGB Preschool

 m.me/TGBPreschool

Đăng ký tư vấn ngay!